Sâm cau đỏ có tốt hơn Sâm cau đen ?

Ba kích thật – giả
29/07/2019
Vị thuốc Hoàng cầm và danh y Lý Thời Trân
31/07/2019
 

Các loại thuốc bổ dương chưa bao giờ hết “hot” và câu chuyện đi du lịch mua chút đồ rừng về ngâm rượu vẫn luôn là sở thích của nhiều cánh mày râu.

T rong bài viết lần này, chúng ta sẽ gặp một loại dược liệu khá nổi tiếng trong nhóm thuốc bổ dương. Đó là Sâm cau.

Câu hỏi đặt ra là: Sâm cau thì loại đỏ hay loại đen tốt hơn ? Thực trang hiện nay là khi search “Sâm cau” trên google hay các công cụ tìm kiếm thì quá nửa số ảnh hiện ra là loại rễ màu đỏ cam nhìn rất đẹp chứ ít khi ra loại màu đen đen. Vậy nên không khó hiểu khi đa số người tiêu dùng thường không phân biệt được loại rễ màu đỏ cam thực chất lại là “Sâm cau giả”.

 

Theo Dược điển Việt Nam V, Sâm cau (thật) là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.), họ Thủy tiên (Amaryllidaceae). Vị này trong YHCT Trung Quốc còn gọi là Tiên mao (Rhizoma Curculiginis - 仙茅). Trong Dược điển Việt Nam V có mô tả về Sâm cau như sau: "Thân rễ hình trụ, hơi cong queo, dài 3 cm đến 10 cm, đường kính 4 mm đến 12 mm. Mặt ngoài màu nâu đen tới màu nâu, xù xì, có các lỗ sẹo rễ con và nhiều vết nhăn ngang. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy, mặt gãy không phẳng, màu nâu nhạt tới nâu hoặc nâu đen ở giữa. Mùi thơm nhẹ, vị đắng và cay." Theo YHCT, Sâm cau có vị cay, ngọt, tính ấm, có độc, quy vào hai kinh can thận. Có tác dụng: ôn thận, tráng dương, trừ lạnh. Sử dụng trong các trường hợp: thận dương yếu, liệt dương, lạnh kinh niên, viêm khớp, đau do lạnh,… Do có độc tính nên không sử dụng lâu dài, không sử dụng cho người hư yếu. Dùng Sâm cau kéo dài làm tinh hao kiệt sức. Do có độc nên khi chế biến, người ra rửa sạch và ngâm với nước vo gạo để khử bớt độc tính đi. Có nơi còn sử dụng thân rễ Sâm cau để gây sảy thai.

 
 

Trong khi đó, loại “Sâm cau đỏ” đang bán phổ biến trên mạng (web,fanpage,…) hay ở các khu du lịch lại là rễ của một số loài cây thuộc họ Huyết giác (Dracaenaceae), phổ biến nhất là rễ loài Bồng bồng - Dracaena angustifolia Roxb., loài này mọc hoang ở nhiều nơi, cũng có một số gia đình trồng làm cảnh; hoặc một loài khác cũng gọi là Bồng bồng hay Huyết giác nam bộ – Dracaena cochinchinensis, có rễ màu đỏ cam. Cả hai loài này đều chưa thấy nói đến tác dụng bổ dương trong YHCT. Trong YHCT thì Bồng bồng được sử dụng để nhuận tràng, lợi tiểu, chữa lỵ, bạch đới,… Ngoài ra, các nghiên cứu dược lý chứng minh rằng Bồng bồng có độc tính. Người ta đã thử độc tính trên chuột nhắt trắng thấy LD50 khoảng 175mg/kg, Bồng bồng cũng có độc tính với thai, có thể gây sảy thai ở động vật thí nghiệm.

 
 

Tóm lại, chỉ có một loại Sâm cau chứ không có loại "Sâm cau đỏ" hay "Sâm cau nếp" nào cả. Tác dụng bổ dương của loại - rễ Bồng bồng trên vẫn được chứng minh trên bất cứ thí nghiệm khoa học hay các tài liệu nào. Vậy mà người bán lại bán nó dưới cái tên “Sâm cau” và gán cho nó công dụng của Sâm cau. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động của việc mua bán dược liệu giả. Hơn nữa, chúng có độc, chắc chắn sẽ gây tổn hại sức khỏe nếu dùng lâu dài.

 
Bởi vậy, Indochina Herb lại nhắc độc giả hãy là người tiêu dùng thông minh. Trước khi bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì thì cũng hãy bớt chút thời gian để tìm hiểu về chúng. Hãy bỏ tiền ra mua sức khỏe chứ đừng bỏ tiền ra mua bệnh tật vào người.