Ba kích thật – giả

Sâm cau đỏ có tốt hơn Sâm cau đen ?
30/07/2019
 

Mùa hè đang là mùa du lịch và tâm lý khi đi du lịch của nhiều người là phải mua được một thứ gì đó để về làm quà cho mình hay cho bạn bè, người thân. Và còn điều gì tuyệt vời hơn cho những quý ông là có được đặc sản gì đó để ngâm rượu để bổ thận tráng dương ? Và Ba kích chính là ứng cử viên sáng giá cho lựa chọn này.

Hãy cùng xem một số hình ảnh của Ba kích, tên khoa học là Morinda officinalis F.C.How, họ Cà phê (Rubiaceae):

 
 
Hiện nay trên các khu du lịch trải từ các vùng Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai,... không khó gì để bắt gặp những đống “Ba kích” được bày bán tràn lan tại các điểm du lịch, các chợ, hay thậm chí là các sạp ven đường. Sự thực là nhìn những đống “Ba kích tươi - thật - không chất bảo quản” sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với việc mua một bịch dược liệu khô trông đen đen, bẩn bẩn, lại còn thêm nỗi lo bị rút hoạt chất. Có vẻ mua hàng tươi sẽ được tin tưởng hơn nhiều. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nguy cơ mua phải “Ba kích giả” ở những nơi đó còn cao hơn nhiều so với túi dược liệu khô xấu xí kia. Cụ thể, hãy cùng nhìn những đống “Ba kích” dưới đây:
 
 
Nếu bạn thấy những củ “Ba kích” trên đúng là những loại mình đã mua thì xin chia buồn, bạn đã mua phải “Ba kích giả”.

Bởi loại củ này thực chất không có họ hàng gì với Ba kích thật, chúng là loài Viễn chí: Kích nhũ trắng, 密花远志 mi hua yuan zhi (Mật hoa viễn chí – Viễn chí hoa dày), có tên khoa học Polygala karensium Kurz., họ Viễn chí (Polygalaceae). Người bán cũng rất tinh vi chia Viễn chí ra làm 2 loại, trắng và tím, với giá củ tím cao hơn (giống với kiểu Ba kích thật). Thực chất chúng vẫn đều từ một cây, có củ trắng hơn và củ tím hơn và đương nhiên tất cả đều là Ba kích giả. Loài Viễn chí này mọc ở những nơi có khí hậu á nhiệt đới – ôn đới ở độ cao >700m – 3.000m (Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Phúc(Tam Đảo), Hà Giang, Kon Tum, Khánh Hòa,…), trong khi Ba kích thật (Morinda officinalis F.C.How) mọc ở độ cao thấp hơn, từ vài chục m – 500m. Về hình thái, chúng có những kiểu đốt và kích thước khá giống với loài Ba kích, tuy nhiên củ Viễn chí thường trong hơn, cảm giác mọng nước hơn, ít sần hơn Ba kích thật.

Hãy cân nhắc cẩn thận khi mua Ba kích tại các khu du lịch vùng cao.

 

Thời gian gần đây lại xuất hiện thêm một loại Ba kích giả nữa, chủ yếu bày bán ở ven đường, các điểm dừng chân dọc QL4C, chạy xuyên qua Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang hoặc trên mạng với cái tên “Ba kích ruột ngựa”. Thậm chí đây còn là một mặt hàng trong một số Hội chợ về nông lâm sản các địa phương - được tổ chức ở Hà Nội. Giá loại này cũng tùy, từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng/1kg (vì được giới thiệu là hàng tự nhiên, hàng rừng). Loại Ba kích giả này củ rất ro, có những củ to hơn ngón chân cái, vỏ xù xì và có những đường nứt dọc củ, khá dễ phân biệt với Ba kích thật. Hãy cùng nhìn những hình ảnh của “Ba kích ruột ngựa”:

 
 

Qua quá trình tìm hiểu và thu mẫu, chuyên gia của Indochina Herb xác định được đó là loài Cơm rượu trái hẹp - Glycosmis stenocarpa (Drake) Guillaumin (một loài họ Cam - Rutaceae). Đây là một loại cây gỗ nhỏ (Ba kích thật là dây leo), cao khoảng 1m, và chỉ mọc ở núi đá vôi (Ba kích thật mọc ở đồi/núi đất). Lá loài này có mùi tinh dầu khá thơm.

 

Điều đáng nói ở đây là, cả 2 loài “Ba kích giả” trên đều chưa từng có nghiên cứu về hoạt tính sinh học, công dụng hay ngay cả kinh nghiệm sử dụng trong dân gian. Kể cả loài Viễn chí trên cũng không phải loài Viễn chí được sử dụng trong Y học cổ truyền (loài được dùng làm thuốc là loài Viễn chí lá nhỏ Polygala tenuifolia Willd. và Viễn chí Siberi Polygala sibirica L.). Người ta chỉ bày bán chúng dưới cái tên “Ba kích” và gắn cho nó các công dụng của Ba kích thật. Như vậy là bán hàng giả, trái với pháp luật và cũng vô cùng nguy hiểm cho người dùng. Theo khảo sát, những địa điểm thường bày bán các loại Ba kích giả là: dọc tuyến du lịch Hà Giang, thị trấn Sapa, thị trấn Tam Đảo, Lai Châu,...hay ngay cả vùng thấp như khu du lịch Yên Tử, Quảng Ninh - nơi trồng và bán Ba kích khá lớn tại miền Bắc.

 

Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, đặc biệt khi bạn bỏ tiền ra mua sức khỏe. Nếu muốn mua thì hãy tìm đến những cơ sở uy tín. Đừng bao giờ tin vô điều kiện với các thầy lang mạng, thầy lang google, hoặc người không có chuyên môn. Ngay cả tại những Hội chợ nông sản cũng thường xuyên xuất hiện hàng giả. Thực tại vẫn còn quá nhiều vấn đề bất cập về dược liệu như: Thương lục - Nhân Sâm, "Nấm Ngọc cẩu", Sâm xuyên đá, Sâm cau giả, Đinh lăng giả,... Hãy đón đọc trong các bài viết tiếp theo của chuyên mục Dược liệu dễ nhầm lẫn của Indochina Herb.